Hội Văn học nghệ thuật tỉnh hiện nay có trên chục cây bút thơ, trong số đó không ít người chuyên sáng tác thể lục bát. Họ viết đủ đề tài về cuộc sống và một số cây bút đã thành công. Với nhà thơ Tân Quảng thì thủy chung trước sau như một với lục bát và với làng quê. Ông thành danh không phải ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam mà vì tiếng tăm, vị thế thơ ông được khẳng định trong lòng bạn đọc gần xa.
Tân Quảng đích thực là nghệ sĩ. Ông là người đa cảm, dễ cảm thức, rung động với bất kỳ một đối tượng sự vật, sự việc. Nhiều thứ tưởng như tủn mủn, vụn vặt mà không dễ nhà thơ nào lay động: Ớt chỉ thiên, đũa tre, đu đủ đực, mọc răng khôn, mảnh báo gói xôi… vậy mà ông vẫn thành công.
Suốt đời mộc mạc vậy thôi
Chua cay nếm trải ngọt bùi có nhau
Thẳng ngay có cuối có đầu
Thảo thơm có trước có sau đượm nồng
(Đũa tre)
Nói về đũa mà chính là nói về người dân làng. Sâu sắc quá. Với Tân Quảng đằng sau câu chữ là tận cùng ý thức, là cái gì đó gửi gắm ý tứ để người đọc phải ngẫm nghĩ. Một con sên bò qua mặt đường. Một việc rất đỗi bình thường, ít người để ý lưu tâm. Đây là lời của nhà thơ:
Về đâu hỡi chú ốc sên
Con đường cao tốc bò lên làm gì
Mày thì chậm rỉ chậm rì
Cả đời lấy miệng mà đi tội tình
Ai cũng biết ốc sên đi bằng gì rồi. Bài thơ ám chỉ những người sống bằng "mồm mép đỡ chân tay”, quỵ lụy, luồn lọt. Khác với nhiều người viết về Cỏ. Tân Quảng cảm nhận thế này: Ngẩn ngơ trước cỏ mênh mông/ Cỏ trên sân cỏ. Ai trồng cỏ ơi/ Nghĩ mà thương cỏ cọng tươi/ Quanh năm vùi dập, chân người đạp lên. Thân phận cỏ? Bạn đọc hãy ngẫm nghĩ cái điều ẩn giấu mà nhà thơ muốn nói ra. Tân Quảng là người tinh tế khi đưa ra chi tiết, hình ảnh rất độc đáo trong thơ.
Cái lần xin lửa chiều mưaNgăn gió em lấy rổ thưa che đènMưa làm ướt ngực áo emĐể tôi lúng liếng mắt nhìn đi đâu
(Nhà tôi có giàn mướp hương)
Rượu vài chén mặt đỏ vangCha ngồi cấm cúc ngô rang thuốc lào
(Cha tôi)
Tiếng kêu con cuốc mất chồngThình lình một tiếng trái bòng rụng khuya
(Đêm dài thao thức)
Ảo và thực xen kẽ trong thơ ông thật bất ngờ, đầy sáng tạo. Đây là điều đặc sắc mà thơ ông hoàn toàn khác với một số nhà thơ hiện nay. Nét quê còn chút duyên thầm/ Tiếng chim buổi ấy đã cầm lại rơi; Đò năm ghếch mũi đìu hiu/ Cánh cò lãng đãng cõng chiều qua sông; Cây bàng làm chiếc lọng che/ Che cho khỏi ướt tiếng ve cuối mùa; Hoàng hôn khoác áo cà sa; Quờ chân đụng phải giêng hai; Ngồi buồn như dấu chấm than; Gối đầu lên tiếng ếch đồng đêm mưa; Chiều đầy chẳng rót mà rơi; Nhờ em vẽ tiếng vạc đêm…
Làng quê gắn bó, thân thuộc với nhà thơ. Hầu như 9 tập thơ ông đã xuất bản đều chủ yếu nói về làng. Ông đã thổ lộ: Thôi ta về với ruộng đồng/ Gieo sương gặp nắng cấy trồng ước mơ/ Trần mình trên cánh đồng thơ/ Cùng em đắp đập be bờ ca dao. Nhà thơ sống ở làng, đã qua nhiều làng và cảm thức những gì ông đã trải. Những cái hay, cái đẹp quá nhiều nhưng cái dở, cái tồn tại cũng không ít trong cơ chế thị trường. Nào là: Thăm quê chợt thấy mình buồn/ Con cua, cái ốc chẳng còn mà mong/ Ngồi đâu cũng chuyện tiền nong/ Đất hương hỏa những chỉ hòng bán đi (Lục bát trình làng). Nào là: Thời gian bôi xóa lãng quên/ Trẻ con chẳng biết cái tên giần sàng. Rồi: Ồn ào kẻ bán người mua/ Chợ làng nay đã chẳng còn giống xưa/ Tôi qua mấy dãy hàng cua/ Cái xưa mình bán, giờ mua cho mình.
Thơ Tân Quảng gợi và cảm buộc người đọc phải suy ngẫm. Tất nhiên không phải bài thơ nào của ông cũng hoàn hảo, có một số bài còn dạng thô hoặc lặp lại ý tứ trong các bài thơ đã ra đời. Ai cũng hiểu để có một hai bài thơ hay thậm chí chỉ là một câu hay làm rung động, lay động lòng người cũng phải lao động cực nhọc.
Xin kể về chuyện nhà thơ tài danh nổi tiếng bên nước Trung Hoa cách đây mấy trăm năm. Ông tự bạch thế này (theo bản dịch):
Thơ ba năm được hai câuNgâm lên ta vẫn rầu rầu lệ tuônBạn nghe sắc mặt bình thườngThì đành làng cũ tìm đường về thôi.
Nói chung lục bát dễ làm nhưng để hay rất khó. Nó đòi hỏi trí tưởng tượng phong phú, quan sát tinh tường, ý tứ thâm trầm sâu sắc, đi nhiều, đọc nhiều, cảm thức nhạy bén, tóm lại là vốn sống và tài năng – trước hết tài năng. Tân Quảng là nhà thơ đầy bản lĩnh và sáng tạo. Ông là người gần như là duy nhất thành công viết về làng quê trong các nhà thơ Bắc Giang hiện nay, thực sự là một trong những nhà thơ tốp đầu của thơ tỉnh nhà.