Tác giả Đỗ Nhiệm: Viết là quá trình hoàn thiện bản thân

Thứ tư, 16/4/2025 | 9:42:44 AM

Sáng tác văn học là một hành trình không bao giờ tới đích. Điều đó giúp cho mỗi tác giả luôn nuôi dưỡng trong tâm hồn mình sức lao động miệt mài và sự cống hiến chân thành. Trên hành trình ấy, ngoài việc truyền cho bạn đọc nguồn năng lượng sống tích cực, niềm đam mê văn chương còn giúp tác giả hoàn thiện bản thân và khám phá sự bí ẩn vô tận của văn học nghệ thuật. Với tác giả Đỗ Nhiệm, ông có hơn ba mươi năm cầm bút sáng tác, đến nay đã bước sang tuổi bẩy mươi, vẫn không ngừng tích lũy, nghiền ngẫm và chắt lọc những chiêm nghiệm quý báu trong cuộc sống để đưa vào trang viết.

Tác giả Đỗ Nhiệm
Tác giả Đỗ Nhiệm
Từ khi về hưu, tác giả Đỗ Nhiệm có nhiều thời gian hơn cho việc đọc và viết tại thôn Phúc Lâm, Hoàng Ninh, thị xã Việt Yên, Bắc Giang. Suốt những năm tháng gắn bó với văn chương, chưa khi nào ông đặt nặng áp lực cho việc sáng tác. Ông quan niệm rất rõ ràng "viết là không thể ép buộc, càng không thể vội vàng”. Trước nay ông không màng danh lợi, tiền bạc. Những cái đó là vật ngoại thân. Ông cũng không phải gồng mình để kiếm tiền từ việc viết truyện, bán sách. Hạnh phúc của ông đơn giản là được làm những việc yêu thích. 
Hồi trẻ ông cũng có nhiều hoài bão, ước mơ. Muốn học trường đại học và chuyên ngành văn ông thích, nhưng khi thi không đỗ, ông vui vẻ chấp nhận rẽ sang hướng khác. Ông có hai năm sống và cống hiến trong quân ngũ tại Trung đoàn 568 đóng quân ở Đủng Đỉnh, Lục Nam. Ra quân năm 1975, ông về làm tại Công ty Khai thác công trình thủy lợi Sông Cầu. Công việc của một cán bộ thủy lợi không quá vất vả nhưng thường xuyên di chuyển. Nhiều khi sáng ở Việt Yên, trưa lên Hiệp Hòa, chiều lại về Tân Yên. Đi nhiều, va vấp và gặp gỡ nhiều điều trong cuộc sống giúp ông tích lũy được vốn kinh nghiệm quý báu. Ông là người hiền lành, điềm đạm, trầm lắng và giàu tình thương. Ông sống chậm, viết chậm. Truyện ngắn đầu tay được in trên Tạp chí văn nghệ Hà Bắc năm 1996 mang tên "Cây cải ma” đem lại cho ông nhiều cảm xúc. Như dòng sông được khơi thông nguồn nước, ông chú tâm và đầu tư tâm lực để viết nhiều hơn. Hai năm sau, ông đăng liền hai truyện ngắn "Nắng cuối chiều” và "Trong đáy ba lô” trên Báo Nhân dân cuối tuần. Sau đó cứ thi thoảng truyện ngắn của ông lại xuất hiện trên Tạp chí Sông Thương và nhiều tờ báo khác. Với ông, mỗi tác phẩm hiện diện trên mặt báo đều mang lại cho ông những niềm vui và sự khích lệ đáng kể. Vịn vào những niềm vui nho nhỏ ấy, tác giả Đỗ Nhiệm càng thêm hăng say sáng tạo. Ông nuôi hy vọng nhiều hơn trong hành trình viết lách và lần lượt cho xuất bản những đứa con tinh thần. Nhờ thế bạn đọc, bạn văn biết đến ông nhiều hơn.  
Thị xã Việt Yên nơi ông đang sinh sống nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của tỉnh Bắc Giang, là một trong những cái nôi di sản của văn hóa Kinh Bắc, với nhiều di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt. Từ một huyện thuần nông, Việt Yên rất nhanh chóng trở thành vùng công nghiệp trọng điểm của tỉnh nhà với bốn khu công nghiệp lớn là Quang Châu, Đình Trám, Vân Trung, Việt Hàn thu hút hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước đang đầu tư sản xuất, kinh doanh. Sự phát triển vượt bậc của vùng quê này cũng để lại không ít những hạn chế đáng ngại. Trong cơn lốc của nền kinh tế công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nhiều vấn nạn xã hội trực tiếp gây ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống của người dân quê ông. Nhìn quê hương đổi mới giàu đẹp lên mỗi ngày, ông cũng mừng vui cùng bà con lối xóm. Nhưng nhìn sâu vào tận cùng những góc khuất của tệ nạn xã hội, của những "hố đen vũ trụ” mà không thể tránh khỏi trong một sớm một chiều, tác giả Đỗ Nhiệm cảm thấy xót xa. Ông thấu hiểu nỗi lo của những con người khi phải chấp nhận "sống chung với lũ”, "phải đạp lên trên các tệ nạn xã hội mà phát triển, mà sinh tồn”. Đâu đó có cả những nguyên tắc bất thành văn mà ông nhìn thấy là "muốn êm ả mà hành nghề phải biết kê đệm đầy đủ”, "phải có văn hóa ứng xử, văn hóa tiếp thị, văn hóa kinh doanh phù hợp” mới mong ăn nên làm ra, giàu có đổi đời. Sống giữa vùng quê mà nền kinh tế xã hội phát triển và đổi thay từng ngày, ông cứ lặng lẽ quan sát, tỉ mỉ gom nhặt tất tật những vấn đề nhỏ to trong cuộc đời để rồi âm thầm trải lên từng trang viết. 
Đọc hàng loạt truyện ngắn của ông từ tập: "Mùa hoa vải” (NXB Văn hóa Thông tin, 2006), hay ở tập tiểu thuyết "Gió đồng xanh” (NXB Dân trí, 2010), rồi tập truyện ngắn "Hố đen vũ trụ” (NXB Dân trí, 2020), đều thấy tác giả bám rất sát hiện thực cuộc sống. Nếu không "nhiều cùng” với hiện thực đời sống, lấy đâu những câu văn, đoạn văn miêu tả sinh động đến từng chi tiết như trong truyện ngắn "Trái tim trâu” ông đã viết: "Mới chạm chân tới cổng lò mổ, con vật không đi bằng bốn bàn chân nữa. Nó bắt đầu khuỵu chân, quỳ bốn đầu gối xuống đất, bò lê từng bước, từng bước ngắn nao lòng cháy ruột. Hai tai nó cụp xuống rũ rượi sầu buồn như tàu lá chuối héo. Từ trong hai hố mắt ốc nhồi những dòng nước mắt đầm đìa chảy dài xuống hai gò má. Hai mí mắt sụp xuống nhìn mọi người như van xin, nài nỉ, cầu cạnh được tha mạng. Khóe miệng đen đúa, méo mó, phát ra từng tràng tiếng kêu rền rĩ, thảm thiết: ọ, ọ, ọ…”. Hay trong truyện "Lò mổ” ông miêu tả: "Vừa lúc con vật to kềnh rống lên những tiếng kêu vô vọng. Con dao sáng loáng, nhọn hoắt đã chọc ngập lút cán vào trong lồng ngực con vật. Dòng máu hồng hồng ngầu ngầu xối xả chảy ra. Tay dao thoăn thoắt lột lật lớp da lầy nhầy, lưỡi dao lem lém cắt xén đùi trên, băm xả đùi dưới con gia súc. Những tảng thịt thăn chất ngồn ngộn trong chiếc nong tre”…
Tác giả Đỗ Nhiệm không chọn đề tài hay chủ đề quá lớn lao, quá gai góc, mà chọn hướng ánh nhìn, hướng ngòi bút đến những vấn đề rất đời, rất thực, rất quen thuộc. Hàng loạt truyện như: Gió lốc, Mùa hoa vải, Vụ trộm kỳ quặc, Con trâu lưỡi đỏ, Hoa lúa, Cưỡi trên sóng gió, Hố đen vũ trụ, Nhà trọ, Bạn cũ, Thừa tự, Trợ lý giám đốc… Ở đó có những số phận riêng, diện mạo riêng như anh Báu, cô Loan, cô Hồng, vợ chồng anh giám đốc Hải Hà, là lão Ổi, thằng Xoài, thằng Mít, là anh chiến sĩ Thành Văn anh dũng, quả cảm nặng nghĩa, nặng tình, là anh chàng Bính đàn ngọt hát hay… Ông đã dành rất nhiều tâm sức để xây dựng hệ thống nhân vật này. Mỗi người mỗi vẻ, mỗi ngành nghề nhưng đều hiện diện rất chân thực với đầy đủ bản chất, tham vọng trước những vần xoay của cuộc sống. Đọc đến tập mới đây nhất của tác giả Đỗ Nhiệm là "Chuyện của gió”, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2024 với 25 truyện ngắn vẫn thấy tác giả mải miết với đất và người, với những câu chuyện bình dị mà đầy ắp thông điệp. Với mong muốn giải mã cho được mọi bí ẩn của cuộc sống quanh mình, chuyện trong xóm ngoài thôn, chuyện quanh khu công nghiệp lớn nhất nhì tỉnh. Bạn đọc dễ dàng nhận thấy qua những tác phẩm như "Trái tim trâu, Giấc mơ mùa sốt đất, Nhà trọ, Lò mổ, Vượt qua chính mình, Trước tam quan, Chạy theo những bóng hồng, Nắng ấm tràn về hay Cơ hội cuối cùng… dù viết về các mặt trái tệ nạn xã hội, các thói hư tật xấu của con người nhưng tác giả Đỗ Nhiệm luôn hướng ánh nhìn vào những điều tốt đẹp, vào bản năng sống thiện, sống có ích của con người, với những trách nhiệm đầy tình yêu thương. Những con người chịu nhiều tổn thương mất mát, những đớn đau vụng dại, những ganh ghét đố kỵ của lòng tham, của sự ích kỷ được tác giả dẫn dắt đến với ánh sáng của tình thân, tình người, của sự trỗi dậy lương tâm. Truyện của ông luôn mở ra cho những con người lầm đường lạc lối một trốn quay về, một cơ hội để sửa sai với sự trả giá đúng mực, hợp lẽ đời. 
Tác giả Đỗ Nhiệm đưa vào tác phẩm những nhân vật ngay thẳng, chân chính, vị tha và giàu lòng trắc ẩn như ông Hoa, như Tùng, như ông Mậu, như Huệ, hay ông Phong nhà văn… để bênh vực lẽ phải, bênh vực người yếu thế, ngăn cản kẻ xấu làm càn. Việc đưa những con người chuyên chính, tốt bụng luôn nghĩ cho người khác, vì người khác, biết đặt lợi ích của tập thể cộng đồng xã hội lên trên mọi thứ chính là cách "lấy tâm đức, trí thức để khai sáng tư tưởng tối tăm, lệch lạc” ở mỗi con người. Suy cho cùng, ông cũng như bao nhà văn khác, khi viết luôn là "những nhà nhân đạo từ trong cốt tủy”. Đúng như người đời vẫn nói, mỗi nghệ sĩ có thể đến với văn chương và cuộc đời bằng con đường riêng của mình. Nhưng tư duy nghệ thuật dù có đổi mới đến đâu thì cũng không thể vượt ra ngoài các quy luật của chân, thiện, mỹ và quy luật nhân bản. Vì thế ngay cả khi phản ánh cái xấu xa, đê tiện thì vẫn là để hướng con người đến cái đẹp, cái thiện, cái cao cả.
Văn của tác giả Đỗ Nhiệm gần gũi, chân thành và giản dị như chính con người ông vậy. Ở tuổi này, ông bảo mắt đã mờ, chân tay đã chậm hơn nhiều so với trước nhưng ông vẫn ham đọc và chịu viết. Ông bảo đọc là một cách học hỏi, một cách tích lũy và không để mình bị tụt lùi về phía sau. Cứ được tác giả nào tặng sách, tặng truyện ông đều trân trọng và mày mò đọc cho hết. Cuốn nào hay ông đọc vài ba lần. Cuốn nào thích thì lâu lâu lại giở ra đọc rồi nghiền ngẫm. Ông có một thói quen, khi tác phẩm được đăng ở báo này, báo kia, ở Tạp chí Sông Thương hay bất kỳ ở đâu mà báo biếu gửi về ông đều cất giữ cẩn thận. Trong phòng đọc trên tầng 2, ông dành riêng một vài chiếc hòm gỗ đựng tất cả tác phẩm được in ở khắp nơi gửi về. Những chồng bản thảo truyện ông viết dở, những tác phẩm đã hoàn thiện nhưng chưa từng in ở đâu ông phân loại để riêng. Những cuốn sách được bạn bè xa gần biếu tặng ông để trên kệ sách chỉn chu, ngay ngắn. Nhìn cách ông gìn giữ và trân quý sách báo đủ thấy ông nghiêm túc và dành nhiều đam mê với văn học nghệ thuật biết chừng nào. 
Sau tập truyện ngắn thứ tư "Chuyện của gió” vừa ra mắt bạn đọc vào cuối năm 2024, ông còn hai tập bản thảo đang chờ duyệt tại các nhà xuất bản. Ông phấn khởi khoe rằng, khi nào hai tập sách ấy được in, ông sẽ còn viết tiếp. Giờ còn sức thì còn viết. Viết những điều cuộc đời đã trải qua. Viết những câu chuyện quanh làng, quanh xã với những con người chân thật, giản dị, không hư cấu, tô vẽ quá nhiều. Viết bằng chính những cảm xúc trong lòng thôi thúc. Ông bảo giờ có tuổi rồi, không đi đây đi đó được, không mở mang biết thêm được cái hay cái đẹp của vùng đất mới, vùng đất lạ thì quay lại viết tiếp về quê hương. 
Thị xã Việt Yên trong lộ trình phát triển công nghiệp hóa, đô thị mới sẽ còn nhiều thứ để ông nghiền ngẫm và viết. Người ta bảo, khổ ải của kiếp người, nhiễu nhương trong cuộc sống tạo nên nhiều ma lực thu hút các nhà văn tới để khám phá. Ông thuận lợi hơn rất nhiều nhà văn khác khi đang ở giữa vùng "sóng” và "đầy hơi thở cuộc sống” như thế, lo gì không có đất để cày, lo gì không có cảm hứng để khơi nguồn sáng tạo.

Trịnh Hoàn

Tin liên quan