Độc đáo tre bonsai

Thứ năm, 12/12/2024 | 4:09:06 PM

Từ tình yêu với cây tre Việt Nam cùng sự sáng tạo, anh Nguyễn Sỹ Luân (SN 1995), Giám đốc Hợp tác xã Vườn Chum tại thôn Bảo An, xã Hoàng An (Hiệp Hòa - Bắc Giang) đã biến loài cây mộc mạc trong đời sống thường ngày thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mang lại giá trị cao.

Tác phẩm
Tác phẩm "Lưỡng long chầu nhật" đặt trang trí tại tiệc trà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2023.

Nghề chơi công phu

Khu vườn của Hợp tác xã Vườn Chum rộng khoảng 2 ha đặt hàng nghìn chiếc chum lớn nhỏ trồng các loại cây cảnh, trong đó nhiều nhất là tre bonsai. Anh Luân - người chủ vườn dáng cao gầy, nhanh nhẹn đưa tôi đi khắp khu vườn rộng. Vừa thoăn thoắt tỉa cành lá trong chậu cây, chàng trai vừa hào hứng nói về nghệ thuật trồng và tạo tác tre bonsai. Nghe anh nói đầy tâm huyết và tận mắt chiêm ngưỡng những tác phẩm độc đáo, tôi cảm nhận được những điều kỳ diệu, thú vị tại khu vườn xanh mát.

Anh Nguyễn Sỹ Luân.

Đam mê cây cảnh từ nhỏ nên sau nhiều năm làm nghề và kinh doanh các sản phẩm gốm Phù Lãng (Bắc Ninh), anh Luân có điều kiện theo đuổi thú chơi cây cảnh. Bước vào thế giới cỏ cây, anh bị cuốn hút bởi loài tre thân gầy, lá mỏng song lại có sức sống mạnh mẽ, bền bỉ. "Cây tre tượng trưng cho sự kiên cường, dẻo dai và bất khuất. Trong truyện Thánh Gióng, ông cha ta từng dùng tre để diệt giặc. Trải qua các cuộc kháng chiến, lũy tre làng vừa là nguyên liệu làm vũ khí vừa che chở quân và dân ta. Cuộc sống bao người dân nông thôn đều gắn với đồng ruộng, lũy tre...” - Anh Luân tự hào nói về loài cây đặc trưng của làng quê Việt Nam và đó là lý do anh say mê sáng tạo trên những gốc tre khô.

Nhưng "nghề chơi cũng lắm công phu". Thời gian đầu anh gom vốn đặt mua hàng loạt phôi tre từ những người đi "săn” cây rừng về giâm, trồng. Nào ngờ vườn tre bị chết gần hết. Không từ bỏ, anh vay mượn người thân tiếp tục theo đuổi đam mê. Bao vốn liếng "chôn” dưới đất, anh mới vỡ lẽ quá trình vận chuyển phôi từ các nơi về, phần đất bọc theo gốc bị đặc khô; trong khi tre là thân thảo, róc nước nhanh, nếu không biết cách tưới và để hở rễ thì gốc sẽ xốp, thối. Vì vậy, anh mày mò, tìm công thức trồng và chăm sóc tre bonsai. Mỗi lần phôi tre về, anh tỉa bớt rễ già, trộn đất với xơ dừa ủ giữ ẩm gốc rồi mới trồng ra đất vườn cho rễ phát triển.

Để những gốc tre sống lâu bền đã khó, việc sáng tạo trên cây tre càng kỳ công hơn. "Nòi tre đâu chịu mọc cong, chưa lên đã nhọn như chông lạ thường” nên việc uốn thân tre tạo dáng bonsai trồng trong chậu không dễ dàng. Anh Luân thường dựa theo những thế "kỳ hoa, dị thảo” sẵn có trong tự nhiên của cây đó tạo tác theo. Đồng thời mỗi gốc cây trước khi ủ mầm, tạo dáng đã được dự định bày ở vị trí tương ứng như bàn trà, phòng khách hay ngoài sân để chăm sóc, tạo tỉa phù hợp. Nét hay của tre cảnh là mỗi cây một hình dáng khác nhau không trùng lặp và thường phải chờ mắt mầm chồi lên để tạo tán chứ không thể cấy ghép.

Anh Nguyễn Sỹ Luân bên tác phẩm tre bonsai.

Đam mê thôi thúc anh tìm đọc nhiều để hiểu về đặc tính, kỹ thuật chăm sóc cây, thị hiếu người chơi tre bonsai. Cũng vì sẵn đam mê, anh luôn để trí tưởng tượng bay bổng trong quá trình sáng tạo. Anh chia sẻ: "Một cây tre bonsai đẹp phải có các tiêu chí "củ bệ, thân kỳ, nguyên hình” - tức là củ to, thân độc, lạ và dáng nguyên thủy. Với tôi, cây còn phải có lá nhỏ, dăm dày và có gai; thân tre có đốt ngắn, đốt dài, "co duỗi" linh hoạt. Muốn tác phẩm có hồn, người chăm dưỡng, tạo tác không chỉ cần đôi tay khéo léo mà còn phải biết "lắng nghe tiếng nói” của cây. Ngay từ khi gốc tre mới lên chồi, tôi thường liên tưởng cây giống với nhân vật nào trong thơ, truyện cổ để tạo tác theo”.

Khi cây đã xanh tươi, vốn biết nghề gốm, người làm vườn này lại tìm cách đặt tre bonsai vào chum, bình để tạo hình. Có những bình bị vỡ, lỗi kỹ thuật tưởng như vứt đi, khi kết hợp với tre lại trở thành những chậu cây bonsai bắt mắt.

Tuyệt tác từ gốc tre

Sau hơn 6 năm dành nhiều tâm huyết, hiện khu vườn của anh Luân có hàng chục loại cây cảnh như: Tùng, cúc, trúc, mai, lan, hồng… song điểm nhấn là hơn một nghìn cây tre bon sai với kiểu dáng khác nhau. Anh Luân đặt tên cho khu vườn lớn này là Vườn Chum, thành lập hợp tác xã có gần 10 thành viên cùng làm nghề gốm và trồng cây cảnh. Trong vườn nổi bật những tác phẩm tre bonsai nghệ thuật; mỗi cây lại gắn với một tích truyện, tác phẩm văn học cổ.

Khách tham quan chụp ảnh lưu niệm với các cây tre bonsai tại HTX Vườn Chum.

Ngày càng nhiều đoàn khách, nghệ nhân đến giao lưu, tham quan Vườn Chum. Khách thăm vườn ấn tượng với tác phẩm "Phu thê" là hai cây tre ngà một to, một nhỏ tượng trưng cho chồng - vợ được tạo tác thành hình trái tim. Tác phẩm "Chim công" có hình chú chim công dựng mào, xòe đuôi khoe sắc trong sương sớm. Tác phẩm "Long chầu" có một gốc bám đất, chia hai thân cuộn vào nhau, khúc giữa uốn lượn như rồng, phần ngọn đối xứng tự nhiên với thân. Rồi hàng loạt tác phẩm khác như: "Thiên Bồng Nguyên soái", "Giao duyên", "Ngũ long giáng thế", "Phu thê đoàn viên”...

Đặc biệt hơn là cây "Phật Bà”" nghìn tay, nghìn mắt hoặc tác phẩm "Lưỡng long chầu nhật" mà anh mất hai năm tạo tác mới hoàn thành. Cây tre ngà vươn hai nhánh đối xứng uốn lượn mô phỏng hai con rồng cùng hướng về chiếc chậu tròn ở giữa tượng trưng cho mặt trời rực rỡ. Tác phẩm này từng được lựa chọn trang trí chính giữa phòng bày tiệc trà nơi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối năm 2023. Anh Luân coi đó là phần thưởng quý giá, ghi dấu ấn đặc biệt trong quá trình làm nghề nên giữ làm kỷ niệm dù có khách nước ngoài trả giá hàng trăm triệu đồng.

Nhiều sản phẩm của Hợp tác xã Vườn Chum được những nghệ nhân danh tiếng trong giới trồng cây cảnh đánh giá cao và mời tham gia các cuộc triển lãm, sự kiện quan trọng. Đầu năm nay, tác phẩm "Ngũ long giáng thế" được khen thưởng tại triển lãm Bonsai Tre Việt Nam lần thứ nhất diễn ra tại Hà Nội. Sản phẩm của anh Luân được yêu thích vì ngoài kiểu dáng đẹp, độc đáo thì quá trình tạo hình, chăm dưỡng cây đều bảo đảm yếu tố thân thiện với môi trường. Những tác phẩm từ tre mang lại giá trị kinh tế cao. Giá mỗi gốc tre bonsai có giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu, thậm chí có cây được trả giá 40-50 triệu đồng.

Theo anh Luân, để sản phẩm lâu bền, cây giống khi xuất vườn phải đủ độ khỏe, ra được 1-2 mầm mắt. Đội ngũ kỹ thuật của Hợp tác xã luôn hướng dẫn tỉ mỉ cách chăm sóc và bảo hành trọn đời cây cho khách hàng. Người chơi tre bonsai làm nhiều nghề, có người là công an, bộ đội, có khi là doanh nhân, nhân viên văn phòng… Mọi người cho biết, khi có cây tre trong nhà, không gian trở nên dịu mát, bình yên, thoáng đãng hơn.

Hiện nay, nghề trồng tre bonsai đang phát triển mạnh bởi những tác phẩm độc đáo này không chỉ làm đẹp không gian sống mà còn mang lại giá trị kinh tế. Chủ vườn Nguyễn Sỹ Luân thêm tâm huyết với công việc này và mong muốn góp phần lan tỏa, làm nổi bật hơn nữa giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ, văn hóa của cây tre Việt Nam, giữ nét đẹp truyền thống của quê hương.

Tin liên quan