Khi mùa xuân sắp cạn, vạn vật đã lên da non xanh biếc, ấy là lúc lộc vừng bước vào mùa rụng lá. Sắc vàng, sắc đỏ tung bay khắp phố phường. Nhìn những cánh lá úa vàng rụng rơi theo từng cơn gió, một nỗi niềm dâng lên khó tả. Chợt nghĩ, đời người cũng chẳng khác đời những chiếc lá là bao. Trẻ đấy mà cũng già nhanh lắm, giật mình thoáng chốc đã thấy bóng ta đứng bên kia triền dốc cuộc đời. Lá xanh được ví như tuổi trẻ, vàng rơi tàn úa là tuổi già. Lạ thay, vạn vật sinh tử theo quy luật của thời gian, con người và muôn loài đều là sản phẩm của tự nhiên, chịu sự tác động theo thời gian không thể tách rời. Cuộc sống này vốn không có gì tồn tại vĩnh hằng. Mùa đi, mùa về, lá tàn, lá rụng theo quỹ đạo của thời gian. Nhưng là con người, ai cũng muốn mình son trẻ, muốn trì níu lại thời gian. Phải chăng đó cũng là khát vọng, ước mơ chân chính của con người.
Mùa thay lá cũng là mùa của sự tái sinh, khởi đầu cho một hành trình mới. Những mầm lá từ đốt cây khô khỏng kiên cường vươn lên. Thiên nhiên nhắc nhở con người rằng, đôi khi chúng ta gặp khó khăn, ta cũng có thể đứng dậy, đổi thay và trưởng thành hơn. Sự tái sinh trong thiên nhiên cũng là một vòng quay kỳ diệu của sự sống. Những chiếc lá úa vàng nhẹ nhàng rời cành, nhường chỗ cho những mầm biếc xanh, tươi mới. Mùa lộc vừng thay lá nhường chỗ cho những chồi non lộc biếc, nhìn những chiếc lá phất phơ bay trong nắng non, mưa bụi rồi xếp chồng lên nhau khắp mặt đường đầy màu sắc giống như một tác phẩm nghệ thuật đường phố. Đi dưới làn mưa mỏng, ngắm những chiếc lá ngả màu thấy một niềm vui mơ hồ, một nỗi buồn man mác. Quả thật, thế giới của con người và thế giới của thiên nhiên thật gần gũi. Chiếc lá rụng xuống để những mầm non trong ngần, tinh khiết run rẩy vươn lên. Mùa thay lá cũng là mùa buông bỏ những cằn cỗi, mùa của vẻ đẹp, mùa của những chồi non được khát khao cống hiến cùng những bí ẩn của thiên nhiên để hoàn thành sứ mệnh của mình. Trong sâu thẳm cõi lòng con người luôn hướng về vẻ đẹp trinh nguyên ấy.
Ngày nhỏ nhà tôi ở cạnh bến sông, bên kia là chợ. Nơi ấy bà tôi có một căn lều và vài chiếc chõng che nằm dựa lưng vào gốc cây lộc vừng cổ thụ. Bà bán hàng cho khách qua sông sau mỗi chuyến đò cập bến. Trên chiếc chõng tre đôi khi chỉ có vài nải chuối, hộp kẹo vừng và mấy bó bánh gai cho khách làm quà. Cứ sau Tết, đến độ tháng Ba, tháng Tư cây lộc vừng bên bến sông bắt đầu trút lá. Lá ào ạt như mưa rơi sau một cơn gió mạnh, lá rơi trên căn lều, bay cả vào những chiếc chõng tre. Bà thường quét lá lộc vừng vun thành một đống to sau mỗi chiều tan chợ. Tôi hỏi bà sao người ta lại gọi là lộc vừng. Bà móm mém cười sau đôi mắt nhăn nheo đầy vết nhăn im lặng nhìn về nơi xa vắng, có lẽ bà đang nhớ đến sự tích một câu chuyện từ hoa lộc vừng. Sau này tôi biết, lộc vừng là loài cây lá xanh và có hoa màu đỏ mang ý nghĩa may mắn, tài lộc. Chữ "lộc” tượng trưng cho tài lộc, may mắn, hạnh phúc. Hoa lộc vừng biểu trưng cho tình yêu tha thiết, thủy chung, những dải hoa rũ xuống như những giọt nước mắt dịu dàng của cô gái khóc thương chàng trai mà bà chưa kịp kể cho tôi.
Sáng nay đi trên phố, nhìn hàng cây lộc vừng đang mùa trút lá đẹp như một bức tranh đầy quyến rũ. Những hạt mưa cuối xuân không đủ làm ướt áo người đi đường, những cô cậu học trò thi nhau check - in bên những cây lộc vừng đỏ rực đang mùa rụng lá khiến lòng người xốn xang đến lạ. Chợt nghĩ, những lúc xô bồ mệt mỏi chỉ cần đứng về phía thiên nhiên, cảm nhận thời gian trôi chảy của những gì tự nhiên nhất như hoa lá, cây cỏ. Đặt tâm thế của mình vào những mùa thay lá chúng ta sẽ biết trân trọng hơn từng khoảnh khắc sống.
Vài năm trở lại đây, mỗi lần về quê tôi lại thả bộ xuống bến sông nơi có hình ảnh của bà tôi và cây lộc vừng cổ thụ. Bến đò không còn nữa, người ta đã xây một cây cầu bắc qua sông và chặt đi cây lộc vừng năm cũ. Bà cũng đã theo tổ tiên về miền mây trắng. Những vui buồn, được mất trong tôi khi đứng trước một cây lộc vừng cô đơn trong mưa làm tôi chợt nhớ bài thơ "Mùa lá rụng” của thi sĩ Olga Berggoltz với câu thơ: "Tôi ra ga lòng lặng lẽ như xưa/ Một mình với mình thôi chẳng cần ai tiễn biệt/ Tôi không thể nói cùng anh đến hết/ Và bây giờ còn biết nói gì thêm… /Tránh đừng động vào cây mùa lá rụng”. Đó là bài thơ về tình yêu của con người và nói về mùa lá rụng "Thu có nhuốm vàng mới có màu ly biệt”. Có khổ đau mới có hạnh phúc, đừng buồn nhé khi những chiếc lá vàng đã sống và cống hiến hết mình để nhường chỗ cho màu lá xanh non. Cây lộc vừng cô đơn nơi tôi đang đứng có lẽ là cái cây đẹp nhất trong chiều mưa bay.
Đinh Tiến Hải